Nguyên nhân, dấu hiệu thiếu máu, cách điều trị và cách phòng ngừa

dau-hieu-thieu-mau

Thiếu máu là tình trạng máu không đủ số lượng hồng cầu khỏe mạnh mang oxy cùng chất dinh dưỡng đến các cơ quan. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu thiếu máu, cách điều trị và cách phòng ngừa thế nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây và cùng chúng tôi tìm hiểu!

Nội dung tóm tắt

Nguyên nhân gây thiếu máu

Cơ thể con người có ba loại tế bào máu:

  • Tế bào bạch cầu để chống nhiễm trùng
  • Tế bào tiểu cầu để giúp cục máu đông
  • Tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể

Các tế bào hồng cầu chứa huyết sắc tố – một loại protein giàu chất sắt giúp máu có màu đỏ. Huyết sắc tố cho phép các tế bào hồng cầu mang oxy từ phổi đến tất cả các bộ phận của cơ thể và mang carbon dioxide từ các bộ phận khác của cơ thể đến phổi để thở ra.

dau-hieu-thieu-mau
Nguyên nhân gây thiếu máu

Nếu cơ thể có số lượng tế bào hồng cầu thấp không đáp ứng được nhu cầu mang oxy đến các mô của cơ thể thì cơ thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu máu.

Các loại thiếu máu khác nhau đều có nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

Thiếu máu do mất máu

Khi bị chảy máu lượng lớn, cơ thể bị hao hụt về thể tích máu và số lượng hồng cầu, từ đó gây thiếu máu và khiến cơ thể gặp nhiều ảnh hưởng.

– Chảy máu tiêu hóa do các bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, trĩ, ung thư đường ruột: Thiếu máu do những bệnh lý này thường xảy ra âm thầm khiến sức khỏe sụt giảm.

– Chảy máu tiêu hóa do dùng thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hay aspirin trong điều trị bệnh, nhất là sử dụng trong thời gian dài. Để phòng ngừa, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc chống viêm không steroid và sử dụng đúng thời gian, liều lượng của bác sĩ.

– Chảy máu do kỳ kinh nguyệt, nhất là những chị em phụ nữ ra nhiều kinh nguyệt, rong kinh trong thời gian dài.

Đọc thêm: Máu đông là gì? Dấu hiệu hình thành cục máu đông

Thiếu máu do thiếu sắt

Đây là loại thiếu máu phổ biến nhất do thiếu chất sắt trong cơ thể. Tủy xương cần sắt để tạo ra huyết sắc tố. Điều này đồng nghĩa với việc nếu không có đủ chất sắt, cơ thể sẽ không thể sản xuất đủ lượng huyết sắc tố cho các tế bào hồng cầu.

Thiếu máu thiếu vitamin

Cơ thể cần folate và vitamin B12 để tạo ra đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Một chế độ ăn thiếu chất này và các chất dinh dưỡng quan trọng khác có thể làm giảm sản xuất hồng cầu.

Thiếu máu do tán huyết miễn dịch

Do trong cơ thể tồn tại kháng thể bất thường chống lại hồng cầu, làm hồng cầu bị vỡ gây nên hiện tượng thiếu máu.

Thiếu máu do suy tủy xương

Do tình trạng tủy xương không sản xuất đủ tế bào máu cần thiết cho cơ thể, nguyên nhân do nhiễm trùng , hóa chất, tia xạ, di truyền hay không rõ nguyên nhân gây ra.

Thiếu máu do suy thận mạn

Suy thận mạn gây ra hiện tượng giảm tế bào cạnh cầu thận, làm cho lượng Erythropoietin giảm thấp.

Dấu hiệu thiếu máu thế nào?

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra thiếu máu mà người bệnh có thể không gặp triệu chứng gì hoặc xuất hiện những dấu hiệu thiếu máu sau:

Triệu chứng cơ năng

– Ù tai, hoa mắt, chóng mặt thường xuyên hay khi thay đổi tư thế hoặc khi gắng sức. Có thể ngất lịm nhất là khi thiếu máu nhiều.
– Nhức đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ hoặc ngủ gà, thay đổi tính tình (hay cáu gắt), tê tay chân, giảm sút sức lao động trí óc và chân tay.
– Hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, có thể đau vùng trước tim do thiếu máu cơ tim.
– Chán ăn, đầy bụng, đau bụng, ỉa lỏng hoặc táo bón.

dau-hieu-thieu-mau
Dấu hiệu thiếu máu

Triệu chứng thực thể
– Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt; hoặc có thể kèm theo vàng da, niêm mạc nếu thiếu máu huyết tán; hoặc có thể kèm theo xạm da, niêm mạc, nếu thiếu máu do rối loạn chuyển hoá sắt.

– Đặc biệt có thể quan sát rõ ở vị trí da mỏng, trắng như mặt, lòng bàn tay…hoặc ở niêm mạc mắt, môi, lưỡi, vòm miệng,…

– Màu sắc của niêm mạc phản ánh trung thành hơn màu sắc của da.
– Lưỡi: màu nhợt, hoặc có thể nhợt vàng trong huyết tán, hoặc bự bẩn trong thiếu máu do nhiễm khuẩn, hoặc lưỡi đỏ lừ và dày lên trong thiếu máu Biermer.

– Gai lưỡi mòn hay mất làm lưỡi nhẵn bóng, có thể có vết ấn răng, (thường gặp trong thiếu máu mạn và nhược sắc).
– Tóc rụng, móng tay giòn dễ gẫy, chân móng bẹt hoặc lõm, màu đục, có khía, bở, dễ gãy,…

Tuy nhiên, cũng có nhiều người có những dấu hiệu này nhưng lại không phải do thiếu máu mà do các bệnh tật khác. Do đó, đừng vội thấy những dấu hiệu này mà đã vội quy kết một người bị thiếu máu, mà hãy đến khám bác sĩ đến biết chắc chắn nhất.

Cách điều trị và phòng ngừa bệnh thiếu máu

Tùy vào nguyên nhân thiếu máu, có thể có những biện pháp: Truyền máu; sử dụng corticosteroid, các thuốc ức chế hệ miễn dịch; sử dụng erythropoietin giúp tủy xương tạo được nhiều tế bào máu hơn; bổ sung sắt, vitamin B12, acid folic và các loại vitamin, khoáng chất khác.

Để phòng ngừa tình trạng thiếu máu, các bạn nên:

– Ăn uống hợp vệ sinh và khoa học. Khẩu phần ăn phải có đầy đủ các chất, hợp khẩu vị, hạn chế các gia vị nhân tạo, hương liệu và dầu mỡ.

– Chế độ sinh hoạt làm việc cân đối kết hợp rèn luyện nâng cao sức khỏe.

– Phụ nữ cần lưu ý đến chu kỳ kinh nguyệt của mình, bổ sung thêm sắt uống và ăn nhiều thức ăn có chứa nhiều sắt khi cơ thể thiếu sắt.

– Nếu việc bổ sung qua chế độ ăn uống không đáp ứng đủ trong điều kiện thiếu hụt, bạn cần phải bổ sung ở cả dạng uống và dạng tiêm. Tuy nhiên, giải pháp này nên được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ.

– Khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm để phát hiện bệnh sớm nhất có thể.

Xem thêm: Chỉ số HCT trong máu là gì? Chỉ số HCT bao nhiêu là bình thường?

Trên đây là thông tin về nguyên nhân, dấu hiệu thiếu máu, cách điều trị và cách phòng ngừa mà chúng tôi tổng hợp. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn đọc. Chúc các bạn luôn có sức khỏe tốt.

Rate this post
Back To Top